Thánh Pontianô, Giáo Hoàng
Và Thánh Hippolytô, Linh Mục Tử Ðạo (thế kỷ III)
Năm 230, khi thánh Pontianô lên kế vị ngai tòa thánh Phêrô thì Giáo Hội đang trải qua một cơn khủng hoảng phân tán do linh mục Hippolytô gây nên. Thánh Hippolytô là người nổi tiếng về môn Thánh Kinh và có những tư tưởng sâu sắc, nhưng ngài lại không muốn chấp nhận việc chọn lựa thầy sáu Callistô làm Giáo Hoàng (217). Từ đó ngài trở thành thủ lãnh một cộng đồng ly khai và tin rằng mình luôn giữ đúng truyền thống. Trong khi ấy, Ðức Callistô và các đấng kế vị đã ngả theo thời cuộc và nhượng bộ. Năm 235, hoàng đế Maximinô ra lệnh bách hại. Vì nghĩ rằng giáo hữu Rôma tuân phục hai Giám Mục, nên hoàng đế đã truyền lệnh bắt cả hai và kết án khổ sai. Ðể Giáo Hội không vắng bóng chủ chăn trong những hoàn cảnh khó khăn, Ðức Pontinô liền từ chức và Hippolytô cũng đã làm như vậy. Các ngài đều bị lưu đày sang Sardaigne và đã cùng nhau tuyên xưng đức tin.
Khi cơn cấm đạo lắng chìm, Ðức Giáo Hoàng Fabianô (236-250) đã chuyển xác các ngài về Rôma. Chẳng bao lâu, mọi người đều quên rằng thánh Hippolytô trước đó đã là một kẻ lạc giáo, nhưng hơn thế nữa, còn nghĩ về ngài với tước vị tử đạo vàtiến sĩ.
Lời Chúa: Mt 17, 21-26
Khi ấy, các môn đệ và Chúa Giêsu còn đang ở Galilêa, thì Chúa Giêsu bảo các ông rằng: "Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết người, nhưng ngày thứ ba, Người sẽ sống lại". Các môn đệ rất đỗi buồn phiền.
Khi các ngài đến Capharnaum, thì những người thu thế đền thờ đến gặp Phêrô và hỏi rằng: "Thầy các ông không nộp thuế "đền thờ' sao?" Ông nói: "Có chớ".
Khi ông về đến nhà, Chúa Giêsu hỏi đón trước rằng: "Simon, con nghĩ sao? Vua chúa trần gian thu thuế má hạng người nào? Đòi con cái mình hay người ngoài?" Ông thưa rằng: "Đòi người ngoài". Chúa Giêsu bảo ông rằng: "Vậy thì con cái được miễn. Nhưng để chúng ta không làm cho họ vấp phạm, con hãy ra biển thả câu: con cá nào câu lên trước hết thì bắt lấy, mở miệng nó ra, sẽ thấy một đồng tiền, con hãy lấy tiền đó mà nộp cho họ, trả phần Thầy và phần con".
SUY NIỆM 1: Nộp thuế cho Ðền Thờ
Vào thời Chúa Giêsu, người Do thái không những phải đóng thuế cho nhà nước tức là thuế dân sự, mà còn phải đóng thuế cho Ðền thờ nữa: ngoại trừ đàn bà, các thiếu niên và các nô lệ, tất cả những ai từ 20 tuổi trở lên đều phải nộp thuế để bảo trì và tu sửa Ðền thờ Giêrusalem.
Câu chuyện trong Tin Mừng hôm nay xẩy ra vào khoảng tháng 10, năm thứ hai cuộc đời rao giảng của Chúa Giêsu, tức là ít lâu sau biến cố Chúa Giêsu biến hình trên núi Thabor. Chúa Giêsu và các môn đệ trở lại Capharnaum, và ở đó, những người thu thuế đến yêu cầu Phêrô nộp thuế. Dĩ nhiên là Phêrô sẵn sàng nộp thuế.
Khi Phêrô về tới nhà, Chúa Giêsu hỏi đón ông: "Simon, con nghĩ sao? Vua chúa trần gian lấy thuế của ai? Con cái mình hay người ngoài? Phêrô đáp: "Thưa, người ngoài. Chúa Giêsu liền bảo thế thì con cái được miễn". Ðây cũng là một mạc khải, bởi vì qua câu: "Thế thì con cái được miễn", Chúa Giêsu muốn nói rằng xét về bản tính Thiên Chúa, Ngài không phải nộp thuế;bởi vì qua câu: "Thế thì con cái được miễn", Chúa Giêsu muốn nói rằng xét về bản tính Thiên Chúa, Ngài không phải nộp thuế; nhưng xét về bản tính loài người, Ngài cũng tuân giữ việc nộp thuế cho Ðền thờ như bất cứ ai. Tuy nhiên, Ngài nộp thuế bằng một phép lạ: Chúa Giêsu bảo Phêrô đi câu cá, bắt được con cá đầu tiên, trong miệng có một đồng bạc, đủ để nộp thuế cho Ngài và cho Phêrô. Chúa không bảo Giuđa xuất quĩ mà nộp, cũng không bảo các phụ nữ đạo đức dâng cúng, nhưng Ngài đã làm phép lạ để các môn đệ tin vào quyền năng của Ngài.
Nếu ngày xưa, người Do thái có bổn phận nộp thuế cho Ðền thờ để lo việc phụng sự Nhà Chúa, thì ngày nay trong Giáo Hội cũng có những cách đóng góp hay dâng cúng, đó cũng là một việc thờ phượng và là một sự chia sẻ cho những anh chị em nghèo khó. Chúng ta hãy nhận ra nét đặc biệt trong nhân cách của Chúa, khi hòa nhập vào nếp sống cụ thể của những người đồng thời với Ngài. Mầu nhiệm nhập thể đòi buộc Chúa phải chia sẻ trọn vẹn đời sống con người. Ước gì chúng ta cũng biết noi gương Chúa, chấp nhận như hạt lúa mì rơi xuống đất và chết đi để trổ sinh nhiều hoa trái tốt đẹp.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 2: Quy luật của cuộc sống
Bác sĩ Ý Antinori đã tạo ra một chấn động mạnh trong lương tâm nhân loại khi ông tuyên bố việc tạo sinh con người theo phương pháp vô tính. Phương pháp tạo sinh vô tính đã được áp dụng thành công vào việc sản sinh ra con cừu có tên là Doli tại Anh Quốc cách đây vài năm và đã được áp dụng vào những loài vật khác nhau từ chuột đến bò, heo. Vấn đề cần đặt ra không phải là chuyện phương pháp kỹ thuật tạo sinh vô tính có hoàn hảo không.Tất nhiên, đem thí nghiệm tạo ra một con người mà không biết chắc sẽ sinh ra một con người bình thường hay một quái thai, quả là một hành động liều lĩnh, vô trách nhiệm. Nhưng ngay cả khi phương pháp tạo sinh vô tính đã được nghiên cứu tới mức hoàn hảo đi nữa thì câu hỏi vẫn là con người có quyền sản sinh vô tính con người không? Không riêng gì những con người có niềm tin tôn giáo mà ngay cả với những ai không thuộc tôn giáo nào đi nữa, đã là con người có lương tri, người ta không thể trốn tránh một câu hỏi như thế.
Tựu trung, đạo đức vẫn luôn luôn là chiều kích bao trùm toàn bộ mọi khía cạnh của cuộc sống con người. Trong bất cứ sinh hoạt nào, con người cũng luôn luôn phải tự hỏi: Tôi có được phép làm điều này không? Tôi phải cư xử như thế nào cho xứng với phẩm giá con người? Ðã làm người là phải chấp nhận những giới hạn. Không ai được hỏi ý kiến khi sinh ra. Không ai chọn lựa cha mẹ, quê hương để sinh ra. Con người đến trong cõi đời không do chọn lựa của mình. Ðiều ấy cho thấy tính giới hạn là tất yếu đối với con người. Cái chết lại càng là một khẳng định về những giới hạn ấy, mà đã có giới hạn, cho nên con người không thể sống mà không tuân theo những qui luật của cuộc sống. Bên cạnh những qui luật của thiên nhiên, quan trọng hơn cả là những qui luật đạo đức. Chỉ khi nào tuân hành những qui luật đạo đức ấy, con người mới có thể triển nở trong nhân cách và thành toàn.
Là người tín hữu Kitô chúng ta được mời gọi để suy nghĩ về thân phận con người dưới ánh sáng mầu nhiệm nhập thể. Chỉ trong Ngôi Lời nhập thể làm người, chân lý về con người mới được sáng tỏ. Chúng ta biết về mình và chúng ta biết phải sống như thế nào cho ra người khi nhìn vào con người và cuộc sống của Chúa Giêsu. Trong thư gởi cho giáo đoàn Philipphê, thánh Phaolô đã tuyên xưng mầu nhiệm nhập thể như sau: "Chúa Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì sự ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập tự".
Quả thật, Chúa Giêsu là mẫu gương của vâng phục. Suốt ba mươi năm ẩn dật tại Nazareth, Ngài đã vâng phục cha mẹ, tuân thủ các Lề Luật của Môsê. Tin Mừng hôm nay ghi lại việc Ngài đóng thuế cho đền thờ, đây là một điển hình của rất nhiều cử chỉ vâng phục mà Chúa Giêsu đã thể hiện trong suốt cuộc đời trần thế của Ngài.
Vâng phục là nói lên tính cách bất toàn và giới hạn của thân phận con người. Ðã làm người, Chúa Giêsu đã không đi ra ngoài những qui luật ấy của thân phận con người, nhưng chính vì vâng phục mà Ngài đã chọn kiếp sống con người. Ngài là một mẫu người hoàn hảo. Hoàn hảo không phải vì không có giới hạn trong kiếp người mà chính là vì đã vâng phục. Thánh Phaolô đã khẳng định rằng: "Chính vì Ngài đã vâng phục mà Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và tặng ban cho Ngài danh hiệu, vượt lên trên muôn ngàn danh hiệu".
Vâng phục để được suy tôn, tự hạ để được nâng lên. Sống những giới hạn của kiếp người với tinh thần trách nhiệm để được là người hơn. Ðó là qui luật của cuộc sống mà Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 3: Tình yêu của con người? … của Thiên Chúa.
Khi thầy trò tụ họp ở miền Galilê, Đức Giêsu nói với các ông: “Con người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ chỗi dậy.” Các môn đệ buồn phiền lắm.(Mt. 17, 22-23)
Lần thứ nhất Đức Giêsu loan báo Người sẽ phải chịu chết, Phê-rô, nhân danh mình và các bạn tông đồ ra mặt phản đối. Tại sao? Thưa, Người đã không làm điều gì dữ. Người phải xa lánh Giê-ru-sa-lem vì thảm họa sẽ xảy ra ở đó. Chớ gì người ta chẳng cho phép bảo vệ Người. Những kẻ muốn mưu hại tính mạng thường đến đó. Thầy không muốn nghe về những chuyện đó. Phê-rô và các tông đồ nhớ rõ Thầy đã khiển trách các ông như thế rồi. Không có chuyện tái can Thầy nữa. “Các ông buồn!” Người ta nổi khùng khi đứng trước một người thân yêu lâm bệnh nguy tử, đành khoanh tay ngồi nhìn trước cảnh tượng vô phương đó, chúng ta cũng buồn. Người thân yêu của chúng ta sắp ra đi. Còn yêu gì được nữa.
Trống rỗng và nặng nề.
Con tim trống rỗng làm chúng ta cảm thấy bị đè nặng.
Các tông đồ buồn sầu. Còn nói gì được nữa? các ông biết chắc sẽ xẩy ra như thế vì Chúa đã nói rồi. Làm sao không tin được? Mọi sự Người đã nói, đã loan báo, thì đã thực hiện. Những công việc của Thiên Chúa mà Thầy hoàn tất chứng tỏ Thầy biết rõ ý định của Chúa Cha.
Phép lạ!
Nhân dịp kẻ thu thuế đòi đóng thuế, Đức Giêsu làm một phép lạ rất giản dị và dịu êm.
Thấy một con cá nuốt một vật, chẳng phải lạ, dù là một đồng tiền hay vật khác. Nhưng lạ lùng là chính Phê-rô đã bắt được con cá này để lấy đồng tiền ra nộp thuế đền thờ.
Đức Giêsu cho biết: Con không phải nộp thuế cho Cha. Cuộc thương khó và cái chết của Thầy nói cho biết Thầy là Con Chúa Cha. Để chứng tỏ Con luôn luôn vâng lời hết mọi sự.
J.M
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét