GIA ĐÌNH THÁNH TÂM

Thứ Ba, 4 tháng 9, 2012

Chân Phước Mẹ Têrêsa Calcutta (1910 – 1997)


Chân Phước Mẹ Têrêsa Calcutta (1910 – 1997)- 05.09.2012


Description: Mẹ Têrêsa Calcutta, người phụ nữ nhỏ bé được cả thế giới biết đến vì công việc bác ái cho những người nghèo nhất trong những người nghèo, được phong chân phước ngày 19 tháng Mười, 2003. Trong những người hiện diện hôm đó là hàng trăm nam nữ tu sĩ dòng Bác Ái Truyền Giáo, mà người đã thành lập năm 1950 như một tu hội của giáo phận. Ngày nay tu hội ấy còn bao gồm các nam nữ tu sĩ chiêm niệm và các linh mục dòng.

Trong buổi lễ phong chân phước, bằng một giọng nói khó khăn và yếu ớt, khi cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên xưng mẹ là chân phước, cả một làn sóng hoan hô vang dội của khoảng 300,000 người ở Quảng Trường Thánh Phêrô. Trong bài giảng, được đọc bởi người phụ tá, Đức Thánh Cha đã gọi Mẹ Têrêsa là “một trong những nhân vật quan trọng của thời đại chúng ta” và “một hình ảnh của Người Samaritan Tốt Lành.” Đức giáo hoàng nói, cuộc đời của mẹ là sự “tuyên xưng can đảm về phúc âm.”

Sự phong chân phước của Mẹ Têrêsa, chỉ sau sáu năm khi người từ trần, là một phần trong tiến trình được khởi sự bởi cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Cũng như rất nhiều người trên thế giới, cố giáo hoàng nhận ra một gương mẫu cho tất cả mọi người noi theo về tình yêu của mẹ dành cho Thánh Thể, cho sự cầu nguyện và cho người nghèo.

Sinh trong gia đình ở Albani, giờ đây là Skopje, Macedonia, Gonxha (Agnes) Bojaxhiu là người con út còn lại trong gia đình có ba người con. Có lúc, gia đình này sống thật thoải mái khi công việc xây cất của người cha phát đạt. Nhưng sau cái chết của ông, cuộc đời thay đổi thật nhanh chóng.

Trong những năm theo học trường công, Agnes tham dự trong một đoàn thể Công Giáo và rất muốn đi truyền giáo ở nước ngoài. Vào năm 18 tuổi, cô vào dòng Nữ Tu Loreto và Dublin. Chính vào năm 1928, cô từ giã người mẹ lần sau cùng và đi đến phần đất mới với cuộc đời mới. Năm sau đó, cô được gửi đến đệ tử viện Loreto ở Darjeeling, Ấn Độ. Ở đây cô chọn tên Têrêsa và chuẩn bị cho một cuộc đời phục vụ. Cô được sai đến một trường nữ trung học ở Calcutta, ở đây chị dậy sử địa cho các cô con gái nhà giàu. Nhưng chị không thể quên được những thực tại chung quanh chị - người nghèo, sự đau khổ, và vô số người tuyệt vọng.

Năm 1946, trong khi trên chuyến xe lửa đến Darjeeling để tĩnh tâm, Chị Têrêsa nghe được điều mà sau này chị giải thích là “một mời gọi trong một ơn gọi. Thông điệp thật rõ ràng. Tôi phải rời tu viện và giúp người nghèo trong khi sống giữa họ.” Chị còn nghe được một mời gọi khác hãy từ bỏ đời sống với các Nữ Tu Loreto và, thay vào đó, “theo Đức Kitô vào các khu nhà tồi tàn để phục vụ Người đang hiện diện trong người nghèo nhất của người nghèo.”

Sau khi được phép rời Loreto, thiết lập một cộng đoàn tôn giáo mới và đảm nhận công việc mới, chị theo học lớp y tá trong vài tháng. Chị trở về Calcutta, là nơi chị sống trong khu xóm tồi tàn và mở trường dậy trẻ em nghèo. Mặc áo choàng sari mầu trắng và đi dép (là y phục thường ngày của phụ nữ Ấn Độ) không bao lâu chị biết rõ người hàng xóm của chị – nhất là người nghèo và đau yếu – và các nhu cầu của họ qua những lần thăm viếng.

Công việc này vô cùng mệt nhọc, nhưng sự làm việc cô đơn của chị không lâu. Các người tình nguyện đến tiếp tay với công việc của chị, một số là cựu học sinh, họ trở nên nòng cốt cho dòng Bác Ái Truyền Giáo. Những người khác giúp đỡ bằng sự tặng góp thực phẩm, quần áo, đồ dùng, và cho sử dụng cơ sở. Năm 1952, thành phố Calcutta tặng cho Mẹ Têrêsa một ký túc xá cũ, mà nó đã trở nên mái nhà cho những người hấp hối và tuyệt vọng. Khi Dòng phát triển, các dịch vụ cũng được nới rộng cho các cô nhi, trẻ em bị bỏ rơi, người nghiện rượu, người già và sống ở hè phố.

Trong vòng bốn thập niên kế tiếp, Mẹ Têrêsa làm việc liên lỉ cho người nghèo. Tình yêu của mẹ không có biên giới. Sức lực của mẹ cũng vậy, khi người ngang dọc địa cầu để hỗ trợ và mời gọi người khác nhìn thấy diện mạo của Chúa Giêsu trong những người nghèo nhất. Năm 1979, mẹ được giải Nobel Hòa Bình. Vào ngày 5 tháng Chín, 1997, Thiên Chúa đã gọi mẹ về nhà.

Nguồn: Báo Người Tín Hữu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét