Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM 1: Yêu mến thù địch
Đời nước Tề, có một người nằm mơ thấy có người đem gươm vào nhà ông mắng chửi rồi giận dữ bỏ đi. Ông ta giật mình tỉnh dậy nhưng không tài nào ngủ lại được. Sáng hôm sau, ông nói với người bạn: “Từ nhỏ đến giờ, tôi vốn là người trí dũng, đến nay đã 80 tuổi, tôi chưa hề bị ai hạ nhục, thế mà đêm qua có người đến làm nhục tôi, tôi cảm thấy bứt rứt và cố tìm gặp cho được người đó, nếu không tôi phải chết mất”.
Thế là ngay sáng hôm ấy, ông cùng với người bạn đi tìm kẻ thù. Năm năm trôi qua mà ông vẫn chưa thấy được kẻ thù. Tức tối vì bị kẻ thù làm nhục, hậm hực vì không tìm được kẻ thù, ông ta về nhà mất ăn mất ngủ mà chết.
Cicéron đã nói: “Con người là kẻ thù khủng khiếp nhất của chính mình”, vì con người tự tạo cho mình kẻ thù để rồi tự tiêu diệt chính mình.
Chúa Giêsu không đến để chối bỏ hận thù, nhưng để bày tỏ bộ mặt thật của nó và đánh bại nó. Thù hận là dấu chỉ sự thống trị của Satan theo đúng nghĩa nhất. Chính Satan gieo thù hận trong lòng con người, đặt con người vào thế chống đối và huỷ diệt nhau. Chúa Giêsu đã đánh bại kẻ thù ấy bằng cái chết yêu thương tha thứ của của Ngài.
Chỉ có yêu thương, tha thứ mới là khí giới tiêu diệt được kẻ thù. Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta khí giới ấy trong bài Tin mừng hôm nay, đó là: “Hãy yêu mến thù địch và làm ơn cho kẻ ghét ngươi”.
Mỗi người là kẻ thù của chính mình. Mỗi khi chúng ta cưu mang thù hận thì đó là lúc chúng ta tự tạo nên kẻ thù và tự tiêu diệt mình. Mỗi khi chúng ta khước từ tha thứ và không thi ân cho những kẻ thù ghét bách hại chúng ta, đó là lúc chúng ta tự giam hãm trong thù hận để tự huỷ hoại mình.
Kẻ thù khủng khiếp nhất, kẻ thù tiếp cận với con người nhất là cõi lòng tích chứa thù hận. Nếu loại bỏ thù hận ra khỏi lòng mình, chúng ta sẽ biến đổi kẻ thù thành bạn hữu, và lúc đó sự bình an và vui sống cũng được tái lập trong tâm hồn chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 2: Yêu thương kẻ thù
Sau hơn 50 ngày bị bắt làm con tin và bị sút gần 20 ký vì sống trong thiếu thốn vật chất cũng như tinh thần, một nhà truyền giáo nọ đã bình tĩnh trả lời câu hỏi của các phóng viên về những gì mình đang suy tính trong lòng: "Tôi vẫn yêu mến đất nước và dân tộc đó, như ngày tôi mới đến truyền giáo cách đây 40 năm. Tôi đã tha thứ cho những kẻ bắt giữ và hành hạ tôi. Tôi muốn nói với họ rằng tôi không có gì thù ghét họ, nhưng vẫn yêu thương và sẵn sàng trở lại đó làm việc mục vụ".
Những lời dạy của Chúa Giêsu mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay, cũng không mập mờ, không nhượng bộ hay chiều theo khuynh hướng tự nhiên của con người muốn giới hạn tình yêu của mình đối với tha nhân.
"Hãy yêu mến anh em mình", mệnh lệnh này được ghi rõ trong sách Lêvi 19,18. Những "anh em" được nhắc đến ở đây chỉ những kẻ thân thuộc, đồng hương, thuộc về dân riêng của Chúa. Còn câu: "Hãy ghét kẻ thù địch" thì chúng ta không gặp thấy công thức nào tương tự như vậy trong Kinh Thánh. Những lời này có thể hiểu như một diễn tả tự nhiên của tâm lý thường tình nơi con người, một hậu quả của tình yêu thương có giới hạn trong khung cảnh những kẻ thân thuộc, những người thuộc về cùng một dân tộc, một xã hội. Theo tâm thức hạn hẹp của Cựu Ước, bất cứ ai không thuộc về Dân Chúa chọn, thì người đó là kẻ xa lạn, là kẻ thù địch, không được yêu thương.
Chúa Giêsu đã đến để mạc khải sứ điệp trọn hảo hơn, bẻ gẫy những giới hạn tự nhiên: "Còn Thầy, Thầy bảo các con: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con". Chúng ta chú ý đến hai chi tiết trong lời dạy của Chúa Giêsu: thứ nhất: không còn ai bị loại ra khỏi tình yêu thương của người môn đệ Chúa và sự phân chia con người ra làm hai loại: thân thuộc và thù địch không còn nữa. Thứ hai: Tình yêu thương đó được thể hiện bằng những hành động cụ thể, và quan trọng nhất, đó là thi ân và cầu nguyện cho những kẻ không tự nhiên được chúng ta yêu thương, và đây không còn là tình yêu thương theo tình cảm, mà là tình yêu thương thực sự hướng đến lợi ích của người khác.
Nhưng tại sao phải yêu thương như vậy? Bởi vì chính chúng ta là con cái của Thiên Chúa và do đó phải noi gương trọn lành của Ngài, Ðấng cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người lành.
Xin Chúa đổ tràn trên chúng ta tình thương của Chúa, để chúng ta được giải thoát khỏi tình yêu hạn hẹp, có tính toán, mà quảng đại yêu thương tất cả mọi người, ngay cả kẻ chống đối và có ác cảm với chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 3: Luân lý cởi mở
Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. (Mt. 5, 44)
Bài trích sách Đệ Nhị Luật hôm nay thiết lập bước đầu tiên đến một nền luân lý cởi mở. Thực vậy, sách này chứa đựng nhiều điều răn có tính tôn giáo, nó nhấn mạnh tới mối giây liên lạc giữa Thiên Chúa và dân Do thái: “Ngươi sẽ là dân Ta và Ta sẽ là Thiên Chúa ngươi”. Điều quan trọng ở đây là hai bên liên kết với nhau được hoàn toàn tự do chọn lựa: một bên là Thiên Chúa và một bên là dân Do thái. Và những điều răn cũng do sự chọn lựa tự do này. Giới luật theo sau sự ban ơn cứu thoát và không qua một phương tiện nào khác, vì Thiên Chúa đã cứu thoát họ trước khi họ trung thành, sự trung thành của dân với lề luật cũng không phải là cách nhận biết ơn cứu độ đã có trước. Do đó, đây là nền tảng luân lý và đường lối sống đạo ăn rễ sâu vào kỷ niệm quá khứ: “Ngươi hãy nhớ” là câu nói then chốt của sách Đệ Nhị Luật. “Ngươi nhớ rằng ngươi đã làm nô lệ trong nước Ai cập và Gia-vê Thiên Chúa đã giải thoát ngươi ra khỏi đó”. Khi nhớ đến sự tự do và giao ước, Ít-ra-en sao quên được Đấng đã yêu thương và giải phóng mình? Những lúc họ lầm lạc, bất chính, áp bức, là những lúc họ quên kỷ niệm quá khứ.
Đức Giêsu trong Tin mừng, đã rao giảng một luân lý cởi mở. Còn đối với dân Do thái chỉ biết nên trọn lành ở sự giữ luật khắt khe, nên họ chống đối một kiểu nên trọn lành mới là kiểu của Cha trên trời. Đó là ân sủng, là tình yêu hậu đãi. Đức Kitô dùng hình ảnh mặt trời, mưa tưới. Thiên Chúa đã cho mặt trời mọc lên soi sáng cho muôn dân không phân biệt ai, đã làm cho mưa xuống làm phì nhiêu cho mọi loài trên trái đất. Thiên Chúa không thiên vị ai. Ngài săn sóc tất cả mọi người do lòng nhân hậu của Ngài ban cho người công chính cũng như kẻ bất lương. Theo gương Ngài mỗi người Kitô hữu không được phân biệt đối xử, cũng không được đặt rào cản lối với đức yêu người. Họ phải yêu cả kẻ thù mình, không được sống theo tình cảm tự nhiên, dù kẻ thù đó là người mắc nợ với mình. Luân lý cởi mở chính là tình yêu cho không điều kiện, hoàn toàn do ân huệ của Thiên Chúa. Chúng ta phải noi gương Ngài vì Ngài đã ban Con Một Ngài đến thương yêu chúng ta dù chúng ta là kẻ tội lỗi. Kitô hữu phải nhớ Đức Giêsu Kitô, nhớ hồng ân ban đầu của Thiên Chúa đã đoái thương mình để mình cố gắng nhờ ơn Chúa mà diễn tả lòng thương yêu đó trong đời sống mình.
J.G
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét