Thánh Gioan Kim Khẩu
Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh(334-407)
Thánh
Gioan thành Antiokia, mệnh danh là Chrysostome (Kim Khẩu) vì sự khôn
ngoan và tài hùng biện. Thánh nhân sinh năm 334 tại Antiokia nước Thổ
Nhĩ Kỳ. Từ bé, ngài đã được hấp thụ do mẹ ngài một đức ái nhân hậu, một
đức tin sắt đá và một lòng hy sinh hào hiệp.
Mùa
xuân năm 373, ngài được tuyển vào chức đọc sách và từ đó danh tiếng
ngài bắt đầu lừng lẫy. Ðược tôn lên chức Giám Mục, nhưng cảm thấy bất
xứng nên ngài đã rút lui vào nơi kín đáo. Ngài ước ao sống cuộc sống khổ
hạnh nhưng chỉ được bốn năm, vì mắc bệnh đau dạ dày nên buộc lòng ngài
phải trở về Antiokia. Năm 386, ngài thụ phong linh mục và suốt 12 năm
ngài đã làm cho thính giả thành Antiokia say mê và mến phục tài giảng
thuyết. Ngài đả kích mãnh liệt những cổ tục mê tín, cuộc sống xa hoa của
những người giàu có. Ngài nhấn mạnh đặc biệt đến những người nghèo và
nêu gương bằng cách hết lòng giúp đỡ họ. Năm 397, ngài được bầu làm Giám
Mục thành Constantinople. Ngài lo nghiên cứu đặc biệt về thánh Phaolô,
cải tổ hàng giáo sĩ, thiết lập một số quy chế để thánh hóa bản thân, hủy
bỏ mọi tập tục xa xỉ. Ngài cũng tận lực chiến đấu chống lại những bè
rối như Ariô, Novatio... Vì phản đối nữ hoàng Eudoxie, đã chiếm đoạt gia
sản của một góa phụ ở Callitrope, ngài bị kết án lưu đày năm 403. Người
ta không được biết bao nhiêu khổ cực ngài đã phải chịu vì Ðức Kitô và
bao nhiêu người đã trở lại cùng Chúa, nhưng mọi người đều phải thán phục
lòng bác ái và những lời giảng thuyết và sách vở của ngài.
Sau cùng, ngài qua đời vào ngày 13/9/407.
Ðức Thánh Cha Piô X đã nâng ngài lên bậc Tiến Sĩ Hội Thánh và bổn mạng của những nhà giảng thuyết.
Lời Chúa: Lc 6, 27-38
Khi
ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy bảo các con đang nghe
Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy
chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu
khống mình. Ai vả con má bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài
của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy
cho, và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại.
Các
con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như
vậy. Nếu các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì
cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ. Và nếu các con làm ơn
cho những kẻ làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội
lỗi cũng làm như vậy. Và nếu các con cho ai vay mượn mà trông người ta
trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng cho những kẻ
tội lỗi vay mượn để rồi được trả lại sòng phẳng.
Vậy
các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mượn mà không trông báo
đền. Phần thưởng của các con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con
cái Ðấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ
gian ác.
Vậy
các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ. Ðừng xét đoán,
thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết
án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được thứ tha. Hãy cho, thì sẽ cho lại
các con; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ
vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả
lại bằng đấu ấy".
SUY NIỆM 1: Yêu Thương Kẻ Thù
Thiên
Chúa là Tình Yêu, ai sống trong Tình Yêu là sống trong Thiên Chúa; ai
sống trong hận thù, người đó cũng chối bỏ Thiên Chúa. Ðã đi vào cuộc
sống là đặt mình vào tương quan với Thiên Chúa: hoặc là sống cho và với
Thiên Chúa; hoặc là chối bỏ Ngài.
Chúa
Giêsu không đến trần gian để thiết lập một hệ thống luân lý, Ngài đến
trước hết là để mặc khải tình yêu của Thiên Chúa và đặt con người vào
mối tương quan với Thiên Chúa. Vì là hình ảnh của Thiên Chúa Tình Yêu
nên con người cũng phải sống như Thiên Chúa Tình Yêu. Chỉ có một tình
yêu đúng nghĩa nhất, đó là tình yêu của Thiên Chúa, và cũng chỉ có một
cách yêu đúng đắn nhất, đó là yêu như Thiên Chúa yêu. Qua cuộc sống của
Ngài, qua các quan hệ của Ngài với tha nhân, và nhất là qua cái chết của
Ngài trên thập giá, Chúa Giêsu đã tỏ cho con người thấy được tình yêu
của Thiên Chúa. Yêu như Thiên Chúa yêu là trao ban và sẵn sàng hy sinh
mạng sống mình vì người mình yêu; yêu như Thiên Chúa yêu là yêu mọi
người, ngay cả kẻ thù mình.
Chúa
Giêsu sẽ không mặc khải trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa, nếu từ Thập
giá, Ngài không tha thứ cho chính những kẻ đang hành hạ Ngài. Tuyệt đỉnh
của yêu thương chính là đang lúc giang tay ra cho kẻ thù đóng đinh vào
Thập giá mà vẫn có thể thốt lên: "Lạy Cha! Xin tha cho chúng, vì chúng
không biết việc chúng làm". Chúa Giêsu đã không rao giảng bất cứ điều gì
mà chính Ngài không sống và minh chứng trước: dạy chúng ta tha thứ cho
kẻ thù, Ngài đã chứng minh đó là điều nằm trong khả năng của con người.
Lời
Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta về ơn gọi cao cả của người Kitô hữu: Như
Chúa Giêsu đã tha thứ cho những kẻ hành hạ Ngài, chúng ta cũng được mời
gọi để yêu thương và tha thứ không ngừng, bởi vì chỉ có lòng tha thứ,
chúng ta mới thực sự trở thành nhân chứng tình yêu Thiên Chúa đối với
mọi người.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 2: Tiến Mãi Không Ngừng
Ghi
lại kinh nghiệm sống của mình trong tập nhật ký có tựa đề là Những
người bạn muôn thuở, bà Ressa Marita, vợ của triết gia công giáo người
Pháp Jack Maritain đã viết như sau:
"Trong
cuộc sống thiêng liêng, chúng ta không nên so sánh mình với ai cả, mà
chỉ so sánh mình với mẫu gương trọn lành của Chúa mà thôi. So sánh mình
với kẻ khác, ta sẽ thấy mình dễ bị cám dỗ, thấy những điểm tiêu cực nơi
anh chị em và trở nên tự kiêu, luôn cho mình là tốt hơn. Nhưng nếu nhìn
vào mẫu gương trọn lành của Chúa, ta được mời gọi canh tân liên lỉ, tiến
mãi không ngừng, vì Chúa là Ðấng trọn tốt trọn lành vô cùng".
Những
lời tâm sự của bà Ressa Marita hướng chúng ta đến những lời dạy của
Chúa Giêsu cho các môn đệ mà tác giả Phúc Âm thánh Luca đã ghi lại nơi
chương 6.
Mức
độ đo lường của tình yêu thương chúng ta là không có mức độ nào cả, hay
đúng hơn là chính mẫu gương trọn tốt trọn lành vô cùng của Thiên Chúa
Cha. Bao lâu còn sống trên trần gian này, chúng ta còn cần tiến thêm mãi
trên con đường yêu thương. Không ai dám tự phụ cho rằng mình đã thành
toàn, đã đạt đến mức độ trọn lành như Thiên Chúa rồi. Những hành động
yêu thương được Chúa Giêsu nhắc đến mà tác giả Phúc Âm theo thánh Luca
ghi lại là những hành động yêu thương thiết thực, yêu thương kẻ thù, làm
ơn cho kẻ ghét mình, chúc phúc cho kẻ nguyền rủa mình, cầu nguyện cho
kẻ vu khống mình.
"Hãy
ra đi mà không tính toán hơn thiệt, đừng xét đoán, hãy tha thứ". Ðó là
những chân trời mới, bao la, rộng mở tình yêu thương nơi tâm hồn người
môn đệ Chúa. Chúng ta không thể nào chỉ nói ngoài môi miệng mà còn cần
phải thực hiện tình yêu thương như Chúa đã nêu gương bằng những hành
động cụ thể. Nếu không, ta sẽ bị xét xử như là những kẻ giả hình, nói mà
không làm, không sống thật Lời Chúa dạy.
Một
cô giáo nọ ra bài cho các học sinh như sau: "Chiều nay về nhà, mỗi em
phải làm một việc tốt đối với người thân nào đó trong gia đình".
Ngày
hôm sau, một em học sinh đến trường than phiền với cô giáo như sau:
"thưa cô, con không thể tiếp tục làm công tác này được nữa".
Trước
sự ngạc nhiên của cô giáo, học sinh này giải thích như sau: Bữa cơm tối
qua con đã khen mẹ nấu ngon. Thay vì vui mừng, mẹ con nổi giận nói con
chọc tức và gián tiếp chê bữa ăn không ngon. Con giải thích với mẹ nhưng
mẹ không tin, và nổi giận ra lệnh con phải rửa chén để chứng minh cụ
thể bữa ăn ngon.
Tiếc
thay, em bé thành tâm khen ngợi mẹ, nhưng người mẹ thì ngược lại không
tin, cho rằng em giả vờ khen và có hậu ý nào khác. Thay vì yêu thương
thật tình và cảm nhận tình thương của anh chị em đối với mình, thì nhiều
lúc ta cũng hành động như người mẹ trong câu chuyện vui trên. Ta nghi
ngờ tình thương của anh chị em vì có bao giờ ta yêu thương thật sự anh
chị em đâu, có chăng chỉ là những lời nói xã giao bên ngoài cho qua lúc.
Thật là, suy bụng ta ra bụng người.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 3: Yêu người tột độ
“Thầy
nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: Hãy yêu kẻ thù va làm
ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu
nguyện cho kẻ vu khống anh em.” (Lc. 6, 27-28)
Qua
đoạn Tin Mừng này, Đức Kitô dẫn chúng ta tới đỉnh cao của bác ái, càng
đi theo Người càng dốc hết hơi, leo lên cao mãi, cao mãi liên tục.
“Hãy
yêu thương kẻ thù”, Chúa dạy thế, không lý thuyết xuông nhưng rất cụ
thể. Người cho thấy những công việc rõ ràng trước mắt, không để chúng ta
phải tưởng tượng. “Hãy làm ơn cho kẻ ghét anh em, chúc lành cho kẻ
nguyền rủa anh em, cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em...”. Tất cả những
kẻ đó không phải là ảo ảnh ma quái, nhưng là con người bằng xương bằng
thịt mà lý tự nhiên mình phải xa lánh, ghét bỏ. Chính những kẻ đó phải
được nâng đỡ, phải sẵn lòng mỉm cười với họ.
Đức
Kitô nói thêm: “Ai vả má bên này, thì hãy giơ má bên kia. Ai đoạt áo
ngoài đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin hãy cho, ai lấy gì của anh thì
đừng đòi lại...”.
Có
lẽ chúng ta sẽ thẳng thắn trả lời: “Lạy Chúa, Chúa đã đi quá mạnh,
không thể tới được”. Nhưng, Đức Kitô vẫn tiếp tục không khoan nhượng:
“Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình thì còn gì là ân nghĩa? ngay
cả những kẻ tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. Nếu anh em làm ơn
cho kẻ làm ơn cho mình thì còn gì là ân nghĩa? ngay cả những người tội
lỗi cũng làm như thế. Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì
còn gì là ân nghĩa? cả kẻ tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay để được trả
lại sòng phẳng.
Không
thể tới được bác ái Kitô giáo, chúng ta cần tiếp tục suy nghĩ. Làm sao
sống vượt mức như thế! sống yêu thương tột độ! nhiều môn đệ của Chúa đã
sống vượt mức như thế và còn sống vượt mọi mức tới tột độ nữa. Họ đã
theo Đức Kitô Đấng giầu lòng thương xót và tha thứ. Đức Kitô sẽ hài lòng
và âu yếm nhìn Phê-rô và tất cả mọi người đã nên giống Người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét