GIA ĐÌNH THÁNH TÂM

Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

Thứ ba 10/04/2012 – Tuần BÁT NHẬT PHỤC SINH – Niềm tin Phục Sinh Niềm tin Phục Sinh



Niềm tin Phục Sinh


10/04 – Thứ ba trong tuần BÁT NHẬT PHỤC SINH.
"Tôi đã trông thấy và Người đã phán với tôi những điều ấy".


Lời Chúa: Ga 20, 11-18
Khi ấy, bà Maria đang còn đứng gần mồ Chúa mà than khóc. Nhìn vào trong mồ, bà thấy hai thiên thần mặc áo trắng đang ngồi nơi đã đặt xác Chúa Giêsu, một vị ngồi phía đàng đầu, một vị ngồi phía đàng chân. Hai vị hỏi: "Tại sao bà khóc?" Bà trả lời: "Người ta đã lấy mất xác Chúa tôi và tôi không biết người ta đã để Người ở đâu?" Vừa nói xong, bà quay mặt lại, thì thấy Chúa Giêsu đã đứng đó, nhưng bà chưa biết là Chúa Giêsu. Chúa Giêsu hỏi: "Bà kia, sao mà khóc, bà tìm ai?" Tưởng là người giữ vườn, Maria thưa: "Thưa ông, nếu ông đã mang xác Người đi, thì xin cho tôi biết ông đã đặt Người ở đâu, để tôi đến lấy xác Người". Chúa Giêsu gọi: "Maria". Quay mặt lại, bà thưa Người: "Rabboni!" (nghĩa là "Lạy Thầy!"). Chúa Giêsu bảo bà: "Đừng động đến Ta, vì Ta chưa về cùng Cha Ta. Nhưng hãy đi báo tin cho các anh em Ta hay và bảo họ rằng: Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con; về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con".
Maria Mađalêna đi báo tin cho các môn đệ rằng: "Tôi đã trông thấy Chúa và Chúa đã phán với tôi những điều ấy".

SUY NIỆM 1: Niềm tin Phục Sinh


Trong một đêm tao ngộ do một nhóm thân hữu tổ chức tại Sidney, Australia, vào một tối Chúa Nhật cuối tháng 4/2001, nhạc sĩ Vũ Thành An, tác giả của những bài ca không tên bất hủ, đã xuất hiện không như một nhạc sĩ, mà như một nhà truyền đạo. Ở cao điểm của đêm tao ngộ, nhạc sĩ Vũ Thành An đã giới thiệu và trình bày những tác phẩm mà ông gọi là Những bài ca nhân bản và thánh ca. Như ông đã giải thích, những bài ca nhân bản đề cao tình người và những bài thánh ca ca tụng tình yêu Chúa này nói lên chính cuộc đổi đời của ông. Những dòng tâm sự và giọng hát của tác giả đã được khán thính giả đón nhận như một bài giảng thuyết về mầu nhiệm Phục Sinh.

Niềm tin và sự gặp gỡ của con người với Ðấng Phục Sinh thường đến sau những đổ vỡ, mất mát, thất bại và khổ đau. Ðiều này đã diễn ra với hầu hết các môn đệ của Chúa Giêsu. Vào giữa lúc họ buồn bã quay về làng cũ, họ gặp Ngài. Vào giữa lúc họ từ bỏ con đường đi theo Ngài để trở về sau chuyến bôn ba của cuộc sống, Ngài đến với họ. Ngài cũng đến với họ khi họ giam mình trong sợ hãi, buồn phiền. Maria Mađalêna cũng được gặp Ngài giữa tiếng khóc than. Chính lúc bà tưởng mình đã mất tất cả, Ngài đã đến với bà.

Quả thật, Ðấng Phục Sinh thường đến với con người vào những lúc bất ngờ nhất và dưới những hình dạng con người không hề chờ đón. Hầu hết trong mọi trường hợp, Ngài đến với họ như người vô danh, một người mà họ không thể nhận ra tức khắc. Phục sinh là một biến cố lịch sử, nhưng không có bất cứ một người nào đã chứng kiến giây phút lịch sử ấy, từ các môn đệ cho đến chúng ta ngày nay. Ðể tin nhận Ngài, con người luôn làm một bước nhảy vọt trong các biến cố của cuộc sống, những biến cố ấy thường là những mất mát, thất bại và khổ đau. Cần phải trải qua đau khổ để đến vinh quang, đó là định luật của niềm tin, phép rửa nhờ đó chúng ta trở thành tín hữu Kitô, không đương nhiên biến chúng ta thành những người thông minh đĩnh đạc hay may mắn thịnh vượng hơn người. Nhưng chúng ta phải xem mình là những người may mắn nhất, bởi vì giữa tăm tối của cuộc sống, chúng ta vẫn còn nhận ra được ánh sáng; giữa những đổ vỡ, mất mát, thất bại và khổ đau, chúng ta vẫn tiếp tục tin tưởng.

Niềm tin Phục Sinh mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì đã ban cho chúng ta niềm tin ấy và xin Ngài củng cố niềm tin ấy cho chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


SUY NIỆM 2: Trong ta như trong Maria Mađalêna


Bà Ma-ri-a đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mồ, thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài Đức Giêsu, một vị ở phía đầu, một vị ở phái chân. (Ga. 20, 11-12)
Ngày nay, chúng ta gặp thấy một bà đáng tội nghiệp là bà Ma-ri-a Ma-đa-lê-na, một bà đã theo Đức Giêsu tới chân thánh giá đầy đau khổ tang tóc. Trong bà chẳng thấy được một chứng cớ nào.
Trước hết, chúng ta gặp thấy bà đầy xao xuyến, lo âu, sợ hãi bên nấm mồ: “Tôi không biết người ta đã đặt Ngài ở đâu”. Dù bà đã ở đó lúc táng xác Người, tuy ở đó vẫn còn dấu vết Đức Kitô.
Chúng ta đã biết, theo Thánh kinh, Đức Kitô đang hiện diện trong Giáo hội, trong cộng đồng các tín hữu, trong mỗi người. Nhưng những ai đến gặp Người thì chỉ thấy những dấu vết như mộ trống. Họ vẫn chẳng thấy chắc chắn.

Chúng ta thấy có người giải thích cho Ma-ri-a Ma-đa-lê-na thì bà không biết tên mãi tới khi người ấy gọi tên bà, bà mới nhận ra Người.

Như vậy, chỉ có thể nhận ra Đức Giêsu khi người ta được gọi tên, được tiếp xúc với riêng mình. Có thể người ta trách những ai đã bỏ Giáo hội và cộng đoàn ngày Chúa nhật đã không có ai tiếp xúc cá nhân với họ, con người vô danh trong cộng đồng chúng ta đã giết chết sự nhận biết Đức Kitô. Vậy đừng bỏ rơi ai bị vô danh trong cộng đoàn tín hữu. Cần phải quan tâm đến từng người, lo cho từng người tiếp xúc với Đức Kitô, để mỗi người được Đức Kitô gọi tên họ.

Ma-ri-a muốn giữ Đức Giêsu lại cho mình. Cũng như chúng ta muốn giữ Người lại cho chúng ta vì chúng ta cần Người lấp đầy vào chỗ buồn sầu trong cuộc sống hiện tại để làm chỗ trú ẩn cho chúng ta trước những nghịch cảnh, những cơn hấp hối. Bao nhiêu người trong chúng ta đã giữ Đức Kitô lại cho mình, mà không chia sẻ, không bao giờ nói về Người, không bao giờ cất tiếng rao giảng về Người? Đâu là dấu chỉ chúng ta kính mến Đức Kitô? Trong giờ phụng vụ chúng ta chia sẻ lời Chúa với nhau hơn hay là thờ ơ lãnh đạm hơn?

Sau hết, khi đã hủy diệt được nỗi sợ hãi và ước vọng chiếm đoạt Đức Giêsu cho riêng mình, nhờ cú sốc được gọi tên riêng mình và được cảm nghiệm sâu xa Thầy đã sống lại, Ma-ri-a cũng được sống lại trong cởi mở và hiên ngang đi làm chứng về Thầy.

C.G


SUY NIỆM 3: Tôi Ðã Xem Thấy Chúa Phục Sinh


Trong thời gian sống tại thành phố Paris, thi sĩ Viler Maria thường có thói quen đi bách bộ vào mỗi buổi chiều. Dọc theo lối đi của thi sĩ có một bà già ngày ngày ngồi ăn xin. Bà ta ngồi đó âm thầm câm nín, dáng vẻ trơ trơ không cảm xúc, ngay cả khi nhận quà bố thí bà cũng chẳng biểu lộ một dấu hiệu biết ơn nào.

Ngày kia, thi sĩ đi bách bộ với người bạn gái trẻ, cô ta quá đỗi ngạc nhiên khi thấy thi sĩ đi ngang qua chỗ ngồi của bà già ăn xin mà chẳng cho bà chút gì. Ðọc được tư tưởng của bạn gái, nhà thơ trả lời: "Quà tặng phải đưa vào tận con tim, chứ không phải chỉ đưa bằng đôi tay".

Qua ngày hôm sau, thi sĩ đến chỗ hẹn với đóa hồng vừa hé nở trên tay. Dĩ nhiên cô gái nghĩ rằng đóa hồng đó dành riêng cho cô, lòng cô rộn lên với tư tưởng: "Ôi! Thi sĩ quá quan tâm đến mình biết bao". Nhưng không. Thi sĩ đã đến trao đóa hồng đó vào đôi tay gầy guộc của bà già ăn xin và rồi sự lạ đã xảy ra là bà già bấy lâu trơ trơ như khúc gỗ giờ đây đã hồi sinh. Bà vội vàng đứng dậy, bước tới cầm tay thi sĩ và hôn lên đôi tay của thi sĩ. Rồi với cử chỉ nâng niu, bà ôm chặt lấy đóa hoa hồng vào lòng và thanh thản bước đi.

Suốt một tuần qua đi, bà mới trở lại chỗ ngồi ăn xin hằng ngày cùng với vẻ câm nín và vô hồn như trước kia. Người bạn gái hỏi thi sĩ xem suốt tuần qua không xin ăn thì bà sống bằng gì. Thi sĩ trả lời: "Bà sống bằng đóa hoa hồng".

Anh chị em thân mến!

Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Gioan cũng thuật lại cho chúng ta câu truyện của một người đàn bà đang u buồn tuyệt vọng, nhưng bỗng nhiên nhận được món quà trao tận con tim, một niềm vui không gì đo lường được, đó là niềm vui của Tin Mừng Phục Sinh.

Ðọc lại đoạn Tin Mừng, chúng ta sẽ thấy sự tuyệt vọng của Maria Madalena lúc này đến mức nào. Theo Chúa Giêsu và các môn đệ trên đường rao giảng Tin Mừng, chắc chắn bà đã nghe nói, đã chứng kiến biết bao phép lạ Chúa Giêsu đã làm, từ việc chữa lành bệnh tật cho đến việc làm cho kẻ chết sống lại, từ việc khiến gió biển im lặng cho đến chuyện hóa bánh ra nhiều.

Thế nhưng, tất cả đều sụp đổ khi bà đếm từng vết máu và mồ hôi loang vãi trên đường tử nạn, khi theo dõi từng hơi thở thoi thóp của Chúa Giêsu trên Thập Giá, hay khi xác Ngài được mai táng trong mồ, và hôm nay cả đến thân xác cũng bị đánh cắp mất, chẳng còn gì hy vọng nữa. Như vậy, tất cả chỉ là tuyệt vọng, Nhưng chính trong tận cùng của sự tuyệt vọng ấy, chính trong thử thách mịt mù ấy, bà đã được tặng ban một món quà không phải trên đôi tay, nhưng món quà ấy được trao tặng vào chính con tim của bà. Ðó là bà được thấy Chúa Kitô Phục Sinh và Ngài đã gọi tên bà một cách thân mật, ngọt ngào.

"Gọi tên" đó là một dấu chỉ thân mật giữa Chúa Giêsu và các môn đệ, giữa những người mục tử tốt lành và đoàn chiên. Người mục tử tốt lành nhận biết từng con chiên của mình, và Ngài gọi tên từng con chiên một và cho chúng vào hưởng niềm no thỏa trong đồng cỏ xanh tươi. Không chỉ riêng Madalena, nhưng mỗi người Kitô hữu đều được tặng ban món quà này. Lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy là họ đã được gọi tên, được đổi mới, được nâng lên hàng con cái dấu yêu của Thiên Chúa, được thông phần vào sức sống Phục Sinh trong nhiệm thể Ðức Kitô.

Sư sống Phục Sinh này không phải chỉ là một đóa hồng tạm bợ, chỉ hồi sinh con người trong thời gian ngắn ngủi, nhưng là đóa hồng vĩnh cửu có thể cho con người sống đúng địa vị làm người, làm con Thiên Chúa đến muôn đời. Con người chỉ trở nên buồn thảm, câm nín là vô hồn khi họ không biết nâng niu, quí chuộng mà bỏ xa sự sống Phục Sinh của Ðức Kitô.

Lạy Chúa, nếu tội lỗi làm cho con vô cảm, u buồn, tuyệt vọng, thì xin cho con được luôn nhớ rằng: Chúa đang đứng bên con và đang gọi tên con. Con không nhận thấy, không nghe biết vì con không nhiệt tâm yêu mến, tìm kiếm như thánh nữ Maria Madalena. Biết kiếm tìm trong tinh thần yêu mến chắc chắn con sẽ không thất vọng vì Chúa đang ở bên con, đang đợi chờ con.

(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ – Radio Veritas Asia)


Tin bài liên quan

Chúa Nhật 15/04/2012 – CHÚA NHẬT VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA – Chúa Hiện Ra Với Các Môn Ðệ
Thứ bảy 14/04/2012 – Tuần BÁT NHẬT PHỤC SINH – Những lần hiện ra
Thứ sáu 13/04/2012– Tuần BÁT NHẬT PHỤC SINH – Tìm lại được bản thân
Thứ năm 12/04/2012 – Tuần BÁT NHẬT PHỤC SINH – Ðau khổ là một hồng ân
Thứ tư 11/04/2012 – Tuần BÁT NHẬT PHỤC SINH – Trên đường Emmaus
Thứ hai 09/04/2012 – Thứ hai Tuần BÁT NHẬT PHỤC SINH – Phép lạ Phục Sinh
+ Chúa Nhật 08/04/2012 – CHÚA NHẬT PHỤC SINH – Chúa đã sống lại
Thứ bảy 07/04/2012 – CANH THỨC VƯỢT QUA – Niềm hy vọng Phục Sinh.
Thứ sáu 06/04/2012 – THỨ SÁU TUẦN THÁNH – Chiều Tử Nạn – Chết Vì Yêu.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét